Nó thở dài, rồi kéo mũ xuống. Dưới ánh đèn đường, gương mặt gần như hoàn hảo của nó hiện ra — da trắng lạnh, nổi bật, kiểu mặt “trời sinh đã khiến người ta thấy không công bằng”.

Ngay phần xương chân mày có một vết xước nhỏ.

“WTF, bị thương luôn hả?” Tôi trợn mắt.

Trần Văn nhếch môi cười: “Lỡ tay thôi. Đánh xong, tụi kia chạy mất dép.”

Sau đó chuyện lan ra, Trần Văn nổi tiếng liền. Đánh nhau với vài thằng con trai mà không bị phạt, còn được khen là “học sinh dũng cảm nghĩa hiệp”.

Lúc ấy nó đứng dựa bàn, ai hỏi gì cũng trả lời, cười nhởn nhơ, phán một câu xanh rờn:
“Tôi vô địch, cảm ơn.”

Ngay giây phút đó, tôi bắt đầu hơi hơi nể nó. Tất nhiên là… cũng hơi hơi muốn cho nó một đấm.

Tôi kéo mình ra khỏi dòng ký ức, nói với Giản Cầm: “Lo buôn bán cái đã. Vài ngày nữa nhập học rồi, tớ còn phải kiếm tiền tiêu vặt.”

Giản Cầm đảo mắt đầy khinh thường.

Khu này tuy không đông như mấy con phố lớn, nhưng cũng không phải chỗ để gây chuyện.
Mà Trần Văn xưa giờ vẫn biết chừng mực, không phải kiểu dễ gây loạn.
Nghĩ vậy, tôi yên tâm tiếp tục bán xúc xích.

Mùi thơm bắt đầu lan ra, thu hút gần nửa đám đang hóng chuyện quay qua xếp hàng.
Tôi luống cuống tay chân, Giản Cầm phải chạy lại phụ, rồi vừa giúp vừa cảm thán:

“Cậu đúng là thiên tài. Trần Văn thấy cậu rồi đấy, chỉ là đang bận nói chuyện nên chưa qua.
Tớ cứ tưởng được xem đại chiến tình trường cơ.”

Giọng cô nàng toàn là tiếc nuối.

Tôi tranh thủ ngước mắt nhìn thoáng qua rồi quay sang khách, cười tươi rói: “Bốn cây đúng không ạ? Bốn đồng nha~”

Một lúc sau, Trần Văn cầm áo khoác đi về phía quầy. Anh ta nhướn mày nhìn tôi, không nói gì.

Tôi đang thu dọn đồ, tay sờ cái ví tiền dày cộp, lòng phơi phới, nhìn anh ta bằng ánh mắt thân thiện hết mức: “Xong chuyện rồi hả?”

Trần Văn cười nhẹ: “Đường Sa, cậu có thể… vô liêm sỉ thêm chút nữa không?”

Tôi chớp mắt ngây thơ: “Giúp thu dọn một tay nhé?”

“………”

Trần Văn nhìn tôi vài giây, mặt lạnh tanh, nhếch môi: “Cậu nghĩ hay quá ha.”

Tôi ngẩng lên nhìn anh ta, giọng đầy uất ức: “Bây giờ cậu đến phụ tớ thu dọn còn không chịu nữa hả?”

Nói xong, tôi còn kèm theo một cú nghẹn giọng hoàn hảo: “Chúng ta quen nhau hơn chục năm rồi mà, cậu thấy—”

Giọng tôi bỗng khựng lại giữa chừng.

Vì Trần Văn vừa lấy áo khoác trùm lên đầu tôi, trùm kỹ luôn, rồi còn ôm tôi lắc nhẹ vài cái.
Tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang diễn ra thì nghe giọng anh ta vang lên bên tai:
“Giới giải trí sẽ tiếc lắm vì thiếu mất một diễn viên như cậu đấy.”

…Khoan. Câu này… nghe quen quen?

Tôi gỡ áo ra, nhìn thẳng vào Trần Văn vài giây. Ngay sau đó, tôi bật chế độ “bà chủ”:
“Vậy hay là thế này đi, tôi ra tiền — cậu ra sức.”

Trần Văn: “???”

4

Trần Văn cuối cùng cũng chịu thỏa hiệp.

Anh ta kéo chiếc xe đẩy lên vỉa hè, còn tôi xách túi theo sau, trong tay vẫn cầm áo khoác của anh ta.

“Này, Trần Văn.” Tôi lắc lắc túi trong tay, hỏi: “Lúc nãy cậu làm cái gì thế? Lớn đầu rồi còn chơi ba cái trò đó?”

Nghe vậy, Trần Văn khẽ cười khẩy: “Cậu nghĩ nhiều quá rồi.”

Gió đêm mát mẻ thổi qua mặt, cực kỳ dễ chịu. Ánh đèn đường màu vàng nhạt đổ xuống, khiến mái tóc đen của Trần Văn cũng nhuộm thêm chút ấm áp.

“Cậu còn nhớ Trần Thi Ngư không?” – Anh ta lười biếng lên tiếng.

Tôi ngẩn ra, nghĩ một lúc rồi mới sực nhớ — là cô em họ của Trần Văn.

Một cô gái hơi… điên. Vì sao điên? Vì từ nhỏ đã luôn miệng nói sau này sẽ cưới Trần Văn. Cứ suốt ngày bám lấy nhà anh ấy, chẳng chịu về.

Mẹ cô bé khuyên nhủ: “Đó là anh họ con mà, sao lại đòi cưới anh mình?”

Trần Thi Ngư cãi ngay: “Đâu phải anh ruột!”

Ba Trần Văn là giáo viên, nghiêm túc nói: “Hai đứa có quan hệ huyết thống. Gần máu thì không được kết hôn. Sau này không được nói bậy nữa!”

Thế là Thi Ngư khóc ầm lên: “Con không cần biết! Nếu sau này anh mà cưới người khác, con sẽ nhảy lầu!”

Lúc bị ba mẹ dắt đi, cô ấy còn ôm chặt lấy Trần Văn, vừa khóc vừa gào: “Anh ơi đừng bỏ em!”

Trần Văn nhìn cô ấy, mặt không cảm xúc. Mất vài giây sau, anh ta lạnh lùng từng chữ:
“Buông. Tay. Ra.”

Nghe nói sau đó cô ấy được đưa đi điều trị một thời gian, và tôi cũng chưa từng gặp lại cô ấy ở nhà Trần Văn nữa.

Hồi nãy không nhận ra, vì mấy năm trôi qua rồi, cô ấy thay đổi nhiều quá.

Tôi khẽ thở dài: “Giờ chắc học cấp ba rồi nhỉ?”

Trần Văn nhìn về phía trước, giọng nhàn nhạt: “Không. Thi trượt cấp ba, giờ học nghề. Còn hai năm nữa tốt nghiệp.”

“Tôi định đi net, ai ngờ gặp cô ấy. Cô ấy bị mấy thằng con trai làm phiền, nhờ tôi giúp.”

Tôi hơi bất ngờ, liền hỏi tiếp: “Thế cậu không đưa cô ấy về à?”

“Nó có chân mà.”

“…”

“Đ* má!” – Tôi đột nhiên nhìn chằm chằm cái xe đẩy, trợn mắt hét lên: “Trần Văn! Cậu dám đè hỏng cái kẹp xúc xích của tôi rồi này!”

“Trời đất ơi, Đường Sa, nhẹ tay thôi!”

Tháng ba đầu xuân, khai giảng.

Thời tiết cũng ổn, mặt trời trốn sau đám mây xám, rìa mây được ánh sáng nhẹ nhàng viền quanh, như có như không chiếu xuống mặt đất.

Tôi gù lưng đứng chờ xe buýt ở ven đường.

Một tiếng còi vang lên, tôi ngẩng đầu, thấy cửa kính xe hạ xuống — là chú Trần.

Chú ấy ngạc nhiên: “Ơ, Sa Sa, sao không đi chung xe với nhà chú?”

Hừ, chẳng phải vì mẹ tôi bảo ngại, không muốn đi ké mãi nhà người ta sao?
Mà tôi thì vẫn không hiểu nổi tại sao trong xóm chỉ có mỗi nhà Trần Văn là giàu thế?

Cậu nhìn cái dáng nó ngồi trong xe đi, cứ như thiếu gia nhà tài phiệt ấy. Thật khiến người ta… ganh tỵ ghê. B  ap ca/i d a.ng y.eu

Tôi ngập ngừng hai giây: “Cháu định ghé nhà sách trước ạ.”

Chú Trần gật đầu “Ồ” một tiếng. Cửa sổ phía trước còn chưa kịp kéo lên thì cửa sau lại hạ xuống. Trần Văn thò tay ra gác lên cửa kính, nhìn tôi cười tươi rói: “Mua sách gì thế?”

…Không ai nói cậu là câm đâu, cậu im lặng một lần chắc chết hả?

Tôi mặt không đổi sắc, bịa đại: “‘Sống mãi với thủ đô’ với ‘Tuyển tập văn học kinh điển’. Mẹ tôi bảo phải đọc mấy loại sách có chiều sâu.”

Trần Văn hiển nhiên không tin, nheo mắt lại: “Tôi có mà. Lên trường mượn cho cậu.”

Thôi đi ông ơi, ai tin nổi ông chứ.

Dù vậy, tôi vẫn lên xe. Trần Văn thì ngồi cạnh cười tủm tỉm như thể vừa thắng được ván bài lớn. Tên ngốc này, chắc trúng gió rồi.

Trước khi vào trường, tôi kéo tay áo Trần Văn, cười nhẹ: “Đừng quên quyển sách nhé.”

Trần Văn rất thản nhiên: “Tí nữa đưa luôn.”

Anh ta nói kiểu đó lại khiến tôi hơi chột dạ.

“…Ờ, được.”

Mới đầu năm học, việc ngập đầu, tôi bận rộn như con quay, quay mòng mòng không dừng.
Chớp mắt đã tới tầm 6–7 giờ tối.

Tôi ôm cả đống sách chạy lên lầu, leo được nửa cầu thang thì dừng lại, lau mồ hôi trên trán.

“Cậu là… Đường Sa đúng không?”
Một giọng nói lạ vang lên bên tai.

Tôi quay đầu lại, chớp mắt một cái: “Ừ, đúng rồi.”

Cô gái mỉm cười: “Tớ biết không sai mà. À này, Trần Văn nhờ tớ nhắn cậu ra sân thể dục gặp cậu ấy.”

Ra sân làm gì… À phải rồi, đưa sách. Ủa, không lẽ tên đó thật sự có sách luôn hả??

Tôi gật đầu: “Ừ, biết rồi, cảm ơn nhé.”

Cô gái chỉ về phía sau: “Thế tớ đi trước nha.”

“Ừm, cảm ơn.”

Sắp xếp sách vở xong, tôi ngẩng lên nhìn trời. Trời chuyển sang một màu xanh thẫm, ánh trăng treo cao lơ lửng.

Tầm giờ này sân trường khá đông người, bên kia còn đang tổ chức cuộc thi nhỏ gì đó.

Tôi đảo quanh một vòng mà chẳng thấy bóng dáng Trần Văn đâu.

Vừa nhảy từ bậc thềm xuống thì bị một bàn tay đè lên đầu. Giọng Trần Văn trầm trầm, có chút lạnh lạnh, vang lên:

“Lùn quá, nhìn không thấy à?”

Tôi hất tay cậu ta ra: “Tôi mét sáu mươi bảy, cảm ơn nhé!”

Trần Văn cười khẩy: “Hy vọng sau này cô sẽ cán mốc mét tám.”

“…”
Im đi cho đỡ tức.

Tôi hỏi: “Sách đâu?”

Thời tiết chưa đến mức nóng, vậy mà Trần Văn cứ như không biết lạnh là gì, mặc mỗi cái áo thun đen. Cánh tay để trần dài, trắng, hơi nổi gân xanh. Chắc mới chơi bóng xong, tóc bên thái dương dính chút mồ hôi, trán cũng lấm tấm. Khóe môi thì lúc nào cũng treo nụ cười như đang trêu người ta.

“Đứng đây đợi.” – Cậu ta nói.

Tôi nhìn theo bóng lưng cậu ta mới để ý — Trần Văn đúng là… đẹp trai thiệt. Không chỉ gương mặt, mà chiều cao cũng khiến người ta phát hờn. Giữa đám đông, cực dễ nhận ra luôn.

Một lát sau, cậu ta cầm sách quay lại. Tôi đón lấy, vừa nhìn tiêu đề thì nhíu mày: “Vũ nữ Izu”? Đây đâu phải “Tuyển tập văn học buổi sáng chiều” đâu??

Trần Văn liếc mắt, khẽ liếm môi cười: “Cuốn này hay lắm, tôi đề cử.”

“…”
Không phải đông người là tôi sẽ nương tay đâu nhé. Nói thật là muốn phang cho cậu một phát quá!

5.

Con gái khi mới lớn, kiểu gì cũng có những bí mật nhỏ trong lòng. Những chuyện chỉ bản thân biết, hoặc chia sẻ với bạn thân, nhưng nhất định… “người đó” thì không bao giờ biết.

Tôi copy câu này gửi cho Giản Cầm.

Cô nàng nhắn lại rất nhanh: “Cậu yêu ai rồi đúng không?”

Tôi đáp: “Không, gửi cho cậu đọc đấy.”

Giản Cầm: “Thế mà chuẩn ghê. Dạo này tớ đang cưa một cậu em khóa dưới nè!”

Vừa thấy tin, tôi lập tức tỉnh cả người, dừng cả việc nhai, một sợi rau vẫn còn lủng lẳng trên môi, tay lướt phím lia lịa: “Cưa được chưa?”

Trong lúc đợi Giản Cầm trả lời, bỗng có một bóng người ngồi xuống trước mặt tôi.

Tôi ngẩng lên, giật mình: “Ơ… Trần Thi Ngư?”

Cô ấy mím môi cười: “Chị Sa Sa còn nhớ em à?”

…Nhớ sao quên được.

Tôi nuốt rau xuống, hỏi: “Em sao lại ở đây?”

Thi Ngư vén tóc, đôi mắt to tròn như mắt nai. Trang điểm nhẹ, nhìn đã khác xa với hình ảnh bé gái bám anh năm xưa. Cô ta hỏi tôi: “Chị có biết anh Văn đang ở đâu không?”

Tôi khựng một nhịp, lông mày giật nhẹ: “Không rõ lắm, bọn chị không cùng ngành học.”

“Ồ~” – Giọng cô ta kéo dài, rồi bất ngờ đổi chủ đề: “Thế chị có người yêu chưa?”

…Gì thế trời?

Tôi nhíu mày: “Em hỏi cái này làm gì?”

“Không có gì đâu~ Em đi tìm anh em đây.” Nói rồi, cô ta đứng lên, vẫy tay chào tôi.

Áo khoác hồng, váy ngắn tới gối, đôi chân dài trắng muốt nổi bật hẳn lên.

Bất ngờ, tôi thấy một vật màu xanh lấp ló ở túi cô ta, trông như sắp rơi.

Ngay khi nó rơi xuống, tôi kịp đưa tay ra đỡ lấy.

Vừa nhìn rõ đó là thứ gì, mặt tôi lập tức biến sắc.

Trần Thi Ngư phát hiện ra, lập tức quay người lại nhìn tôi, chớp mắt một cái:
“Chị Sa Sa, trả lại em nha.”

Tôi hơi khựng một chút, mặt hơi khó tả, nhưng vẫn đưa lại cho cô ấy.

Cô nàng mỉm cười ngọt ngào, rồi tung tăng chạy ra khỏi căng tin.

Hóa ra… bao nhiêu năm rồi, cái bệnh đó của cô ta vẫn chưa khỏi. Vẫn còn bám dính lấy Trần Văn như cũ.

Thứ vừa nãy rơi ra từ túi cô ta là một tấm ảnh — ảnh của Trần Văn.

Trong ảnh, Trần Văn vẫn là cậu học sinh cấp ba, tóc ngắn gọn gàng, mắt nhìn thẳng vào ống kính, khóe môi hơi cong nhưng không rõ ràng, kiểu ngông cuồng lẫn khí chất của tuổi trẻ.