Trần Văn ngẫm hai giây, gật gù đồng tình: “Cũng đúng thật. Hồi đổi tên tôi còn thấy mình ngầu cực. Vì yêu mà đổi tên thành Thomas, cảm động tới mức nghĩ chắc đem làm phim truyền hình được luôn á.”
“…”
“Đồ ngốc.”
“Là Đường Sa.” – Cậu ta sửa lại, giọng không đổi mà ý rõ rành rành.
Tôi nghe bên kia có tiếng nước chảy, rồi Trần Văn nói tiếp: “Thôi không tán dóc với cậu nữa. Tôi hỏi này, dậy chưa? Đại gia đưa đi ăn.”
“Tôi nói thật, mỗi lần cậu nói ‘đại gia’ nghe nó ấu trĩ vô cùng.”
“Đại gia đại gia đại gia đại gia đại gia~”
“…”
Tôi lạnh lùng: “Không ra ngoài được đâu.”
“Hử?”
“Tôi không tiện.” – Tôi đáp, giọng yếu ớt.
Bên kia tiếng nước lập tức dừng lại. Trần Văn cười khẽ, giọng khàn khàn: “Đường Sa, cậu… tới tháng rồi hả?”
Tôi hoảng: “Sao cậu biết?!”
“Dựa vào logic chứ sao. Không tiện mà không nói rõ là ‘cái gì’ không tiện, tức là chuyện khó nói. Tôi tự hiểu được.”
…Tôi chịu thua.
Bụng bắt đầu đau từng cơn rõ rệt, tôi cuộn mình lại: “Không nói nữa… tôi nằm một lát.”
“Đau rồi đúng không?” – Giọng Trần Văn cùng tiếng loạt xoạt truyền qua – “Đừng nằm. Nằm thì vẫn đau thôi. Dậy đi, xuống dưới ký túc chờ tôi.”
Tôi nhắm mắt, từ chối: “Không được… tôi không muốn nhúc nhích…”
“Cậu bảy tám mươi tuổi rồi hay sao mà yếu thế? Đừng lằng nhằng. Tôi đến ngay. Nếu không thấy người, tôi chỉ còn cách… làm lưu manh.”
“…”
Tôi nghiến răng bò dậy.
Lúc Trần Văn tới, tay còn cầm theo một bình giữ nhiệt. Cậu ta mặc hoodie xám, cao ráo, bước đi nhanh nhẹn, chẳng còn vẻ lười biếng thường ngày.
“Tay cậu cầm gì đấy?” – Tôi hỏi.
Trần Văn giơ giơ cái bình, cười nhếch mép: “Đi xin nước đường đỏ từ mấy thầy cô về. Uống đi cho ấm.”
Tôi nhận lấy, liếc cậu ta đầy bất ngờ: “Cậu quen thân cả giáo viên rồi cơ à?”
“Gọi là quan hệ xã hội tốt.” – Trần Văn đáp, không một chút khiêm tốn.
Hai đứa tới quán ăn. Cậu ta cầm menu coi một lúc rồi hỏi: “Muốn ăn gì không?”
Tôi chân thành đáp: “Có cá kho cay không?”
Trần Văn ngẩng lên nhìn tôi: “Có. Mua combo tặng luôn món ‘lăn lộn dưới đất’.”
Tôi ngơ: “Lăn lộn dưới đất là món gì cơ?”
Cậu ta gõ tay lên bàn, cười gian: “Ăn vào đau bụng lăn lộn dưới đất.”
“…”
“Nhìn cái thể trạng mong manh yếu ớt của cậu mà còn đòi ăn cay? Não cậu đâu rồi, Đường Sa?”
Tôi hết nói nổi, mặc kệ cậu ta tự gọi món.
“Ngò rí ngon thế mà cậu lại bỏ ra, thật là lãng phí!” – Tôi nhăn mặt nhìn Trần Văn nhặt từng cọng ngò rí ra khỏi bát.
Cậu ta chẳng thèm nổi nóng, hờ hững phản đòn: “Mấy lời vớ vẩn của cậu giữ lại đi, để dành bán ở hội chợ rác lời hơn.”
Ăn được vài miếng là tôi thấy đau dữ dội, bụng quặn lên từng đợt, sắc mặt tái mét.
Trần Văn trả tiền xong, mặt hơi cau lại, nắm tay kéo tôi ra ngoài, không nói không rằng… bế thẳng lên.
Tôi bất ngờ quá mức, theo phản xạ bám lấy cổ cậu ta: “Tôi cứ tưởng cậu sẽ vác tôi lên vai cơ chứ.”
Trần Văn hừ một tiếng: “Suy nghĩ của cậu đúng kiểu khác người. Tôi có tế bào lãng mạn, còn cậu thì không có.”
“…”
Trần Văn đưa tôi đến một chỗ lạ hoắc — một toà nhà nhỏ, rồi đi thẳng lên tầng ba.
Tới nơi, cậu ta đặt tôi xuống, thò tay vào khe tường bên cạnh móc ra một cái chìa khoá, mở cửa cực kỳ thuần thục.
Tôi tròn mắt: “Cậu thuê nhà ngoài nữa á?!”
Trần Văn liếc tôi một cái: “Nhà của Lộ Bác Thành. Tôi thỉnh thoảng ghé qua.”
“Tự tiện tới nhà người khác vậy có ổn không?”
“Cậu ta ít khi ở đây, nên mới đưa tôi giữ một chìa.”
“À…”
Vào trong, nội thất đơn giản nhưng sạch sẽ, rõ ràng là chưa ở lâu. Trần Văn bảo tôi ngồi lên sofa, sau đó quay người xuống tầng.
Lúc quay lại, trong tay cậu ta cầm theo thứ gì đó.
Tôi đã đau đến mức không thốt nổi một câu, nằm bẹp trên sofa, chỉ còn sức nhìn cậu ta uể oải.
Trần Văn ngồi xuống cạnh, cúi người sát lại quan sát kỹ vài giây: “Tôi mua miếng dán giảm đau, dán thử xem có đỡ không.”
Tôi chẳng buồn trả lời, chỉ dùng ánh mắt ra hiệu: dán lẹ đi.
Trần Văn định dán thì hơi khựng lại một chút, nghĩ một giây rồi dứt khoát vén áo tôi lên.
Tôi giật mình, vừa định lên tiếng thì bắt gặp ánh mắt cậu ta.
“Cậu tự dán được không? Nhìn kiểu gì vậy, sợ tôi nhân lúc này chiếm tiện nghi à?”
Tôi gắng sức gật đầu.
“…”
Trần Văn nhẹ nhàng vén áo lên, bụng tôi lập tức lạnh toát.
Tôi ngửa mặt nhìn cậu ta, vẻ mặt rất nghiêm túc, còn tôi… tai đỏ lên lúc nào không hay.
Dán xong, Trần Văn nhíu mày nhìn tôi: “Sao cậu gầy thế?”
“…Không phải nên khen tôi eo thon à anh trai?!”
“Cả bàn tay tôi cầm cũng chưa đầy một vòng.”
Tôi phản bác: “Cái đó gọi là vòng eo mảnh mai, vừa vặn tay ôm!”
Trần Văn phì cười: “Nghe xàm chưa từng thấy.”
Cậu ta bỗng nhìn tôi chăm chú, nói kiểu như nhớ ra gì đó: “À mà này, tôi nhớ cậu từng mơ thấy một giấc mơ, trong đó còn… hôn tôi đúng không?”
Tôi như bị điện giật, máu toàn thân đảo ngược: “Không có!”
“Trên đời này cứng nhất chắc là miệng cậu quá.”
Trần Văn chỉnh lại áo cho tôi, tay vẫn đặt lên bụng tôi, người cúi sát xuống, giọng châm chọc: “Không ngờ đó nha Đường Sa, hai mươi mấy tuổi đầu còn mơ mộng xuân tình.”
“…”
Thấy tôi không đáp, Trần Văn cúi xuống, nhẹ cắn vành tai tôi một cái. Tôi rùng mình.
“Đỡ hơn chưa?” – Cậu ta hỏi.
Tôi hoàn hồn, ồ lên một tiếng: “Ủa đúng là đỡ đau thật á! Miếng dán này hiệu quả ghê.”
“Phải vậy chứ.” – Trần Văn cười, mặt đắc ý.
Cậu ta nâng mặt tôi lên, nghiêng người lại gần, chóp mũi chạm vào tôi, mắt khẽ khép xuống, hàng mi dài phủ bóng nhẹ nhàng.
“Đường Sa, hôn một cái nhé.” Câu nói như bước ra từ một bộ phim điện ảnh lãng mạn.
Vừa dứt lời, cậu ta cúi xuống.
Đầu lưỡi lướt qua, như châm lửa lên từng điểm chạm, khiến toàn thân tôi nóng bừng.
Đôi môi quấn lấy nhau, dịu dàng rồi lại càng lúc càng sâu. Trần Văn hơi nghiêng đầu, siết chặt khoảng cách.
Cậu ta thì thầm bên môi tôi: “Anh yêu em.”
Trên đường quay về trường, Trần Văn vào siêu thị mua nước, tôi thì mở điện thoại lướt Weibo. Bất chợt, một dòng chữ hiện lên đập vào mắt tôi:
“Nhiều năm trôi qua như thế, người bên cạnh bạn… vẫn là người ấy chứ?”
Tôi theo phản xạ quay đầu lại — Trần Văn đang bước về phía tôi, tay cầm chai nước.
Thấy tôi nhìn, cậu ta giơ tay vỗ nhẹ đầu tôi, hỏi: “Ngơ người ra làm gì thế?”
Ừ, đúng vậy… nhiều năm trôi qua như thế. Bên cạnh tôi, vẫn là cậu ấy.
Vẫn là Trần Văn. Và sau này, cũng sẽ không phải ai khác.
?
Hai kẻ lầy nội.
?
Lần đầu tiên Đường Sa gặp Trần Văn, cậu ta… đã “mang đúng vibe” như bây giờ.
Chuyện bắt đầu từ việc nghe nói nhà đối diện vừa có người mới chuyển đến. Đường Sa thấy rồi — một cậu con trai trạc tuổi cô.
Ăn tối xong, như thường lệ, Đường Sa chạy xuống dưới chơi với đám nhóc trong khu.
Kết quả là cái tên mới chuyển tới này còn biết cách kết bạn hơn cả cô nữa. Mới chưa được một buổi chiều, cậu ta đã kéo hết cả lũ trẻ con về quanh mình, đông như hội.
Và thế là, Đường Sa thấy Trần Văn ngồi giữa đám đông như một ngôi sao, trên tay đang xoay Rubik. Tay cậu ta thoăn thoắt, chỉ vài phút sau đã hoàn thành viên Rubik hoàn hảo khiến đám trẻ con vỗ tay rào rào.
Một nhóc trai bên cạnh còn trầm trồ hỏi: “Trần Văn, cậu cái gì cũng biết làm à?”
Ồ, thì ra tên là Trần Văn. Đường Sa nghĩ bụng.
Nghe vậy, Trần Văn cong môi cười, khuôn mặt nhỏ nhắn tinh xảo, giọng nói trẻ con mà tự tin vô cùng: “Tiểu gia cái gì cũng giỏi.”
Về sau Đường Sa mới phát hiện: cái tài “làm màu” của Trần Văn là bẩm sinh.
Cô đứng ở xa nhìn, có người thấy cô liền gọi lớn:
“Chị Đường Sa ơi!”
Cậu nhóc ngồi giữa đám đông nghe thấy, ngẩng đầu nhìn cô. Dưới ánh hoàng hôn dịu nhẹ, lần đầu tiên ánh mắt hai người chạm nhau. Trong khoảnh khắc đó, không khí như dừng lại.
Một người không rời mắt thì người kia cũng chẳng rút lui.
Một lúc sau, Trần Văn thu ánh nhìn lại trước, rồi hỏi đứa vừa gọi to: “Bạn cậu à?”
Cô bé gật đầu.
Trần Văn hơi ngẩng cằm, sau vài giây, cười rất thật: “Trông ngu ngu dễ thương ghê.”
Đường Sa: “…”
Từ đó, ấn tượng của cô về cậu bạn trai vừa ngông vừa thích diễn này… không bao giờ phai.
Mặc dù hai đứa không học cùng tiểu học, nhưng vẫn thường xuyên qua lại.
Thỉnh thoảng ghé nhà nhau ăn ké cơm là chuyện bình thường. Gặp tình huống đặc biệt, còn ngủ chung giường nữa kìa.
Lúc đó, Đường Sa đang tuổi ăn tuổi lớn, ngủ say đến mức quăng một cước đá Trần Văn văng xuống giường, xong vẫn ngủ tiếp tỉnh bơ.
Trần Văn nghiến răng trèo trẹo bò dậy, ôm gối nhìn cô mấy giây, rồi nghiến răng mắng:
“Đường Sa, đồ heo nái!”
Xong vẫn cam chịu chui lên giường nằm lại.
Lên cấp hai, hai đứa cuối cùng cũng học chung trường.
Lúc Đường Sa đeo ba lô đi lên tầng hai, vừa vặn thấy Trần Văn đang bị một đám vây quanh.
Chỉ trong vài năm, cậu ta đã lớn phổng lên, dáng người cao hơn bạn cùng tuổi, đường nét khuôn mặt cũng dần rõ ràng.
Đường Sa đã sớm đoán, người như cậu ta kiểu gì sau này cũng sẽ là kiểu “đi đến đâu là được người ta dòm đến đó”.
Thế nên, vừa bước vào lớp, Trần Văn đã được bao nhiêu ánh mắt đổ dồn về.
Một nửa lớp tò mò muốn xem cậu ta sẽ chọn ngồi đâu.
Nhưng Trần Văn lại chẳng theo lối mòn. Đảo mắt một vòng rồi chọn ngồi… bàn đầu.
…
Vài nữ sinh trái tim tan vỡ rõ ràng. Biểu cảm như thể đang nghĩ: “Tôi sẵn sàng vì cậu mà ngồi tận cuối lớp, sa đọa cũng chẳng sao. Nhưng mẹ nó cậu lại chọn bàn đầu. Tạm biệt, chúng ta vô duyên rồi.”
Đường Sa đang định bước xuống cuối lớp thì Trần Văn quay đầu lại, gõ gõ tay lên mặt bàn bên cạnh, gọi to: “Ngồi đây này, Đường Sa!”
Tất nhiên là cô không vui, giả vờ không nghe thấy. Trần Văn lại gọi thêm lần nữa. Cô quay lại nhìn thì thấy cậu ta đang mấp máy miệng, đọc khẩu hình: “Tối-nay-tôi-rửa-chén.”
Và thế là cô… hí hửng quay lại.
Cha mẹ hai bên thường hay đi công tác chung, hay ra ngoài, nên hai đứa hay ở nhà với nhau. Đường Sa thì không thích qua nhà người khác, Trần Văn thì không ngại, nên thường qua nhà cô nấu ăn.
Cứ ăn xong là hai đứa lại cãi nhau vụ rửa chén:
“Trần Văn, bữa nay bốn món tôi nấu ba rồi, rửa chén đương nhiên là việc của cậu!”
“Cơm tôi nấu, đồ tôi đi mua, mà tôi rửa nữa hả? Cậu thấy vậy hợp lý không?”
“Cậu rửa.”
“Cậu rửa!”
Lên cấp hai, Trần Văn càng được nhiều người thích.
Có không ít người hỏi xin cách liên lạc, thậm chí có lần tan học còn bị một công ty tìm kiếm tài năng “bắt chuyện”.
Trần Văn thẳng thắn nói với vẻ mặt nghiêm túc: “Tôi là mầm non tương lai của đất nước, là người kế thừa chủ nghĩa xã hội, còn phải thi vào Thanh Hoa với Bắc Đại, cống hiến cho tổ quốc.”
Người ta cứng họng vài giây, rồi lặng lẽ rút lui.
Lúc đó Đường Sa đứng bên cạnh, lườm cậu ta: “Còn Thanh Hoa Bắc Đại gì chứ, lo mà đậu cấp ba trước đi rồi tính.”
Trần Văn bĩu môi, cúi đầu nhìn cô: “Đường Sa, cậu đang ghen đúng không? Dù gì tiểu gia cũng nổi tiếng mà. Nhưng mà—”
Chưa kịp nói hết câu, Đường Sa đã đá một cú, rồi rảo bước nhanh về phía trước, để lại sau lưng một thằng nhóc mà không diễn một ngày là thấy thiếu oxy sống.
Sau đó, trong ngăn bàn của Trần Văn bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều thư tỏ tình.
Từng bức, từng bức một. Trần Văn đọc rất nghiêm túc, thậm chí còn hồi âm nữa.
Rồi… chẳng ai gửi thêm nữa.
Một ngày nọ, cậu ta đột nhiên nghĩ: Hay mình cũng viết thử?
Ánh mắt vô thức liếc sang Đường Sa ngồi bên cạnh. Trần Văn khẽ ho một tiếng, cảm thấy mặt mình hơi nóng.
Về đến nhà, cậu ta lục tung tủ sách, tìm được tập giấy trắng in thừa trước kia. Đếm thử — đúng một trăm tờ.
Nghĩ là làm.
Trần Văn cắn đầu bút, bắt đầu viết.
Hoàng hôn ngoài cửa sổ nhuộm ánh vàng lên bóng lưng thiếu niên đang cúi đầu viết chữ.
Chợt có tiếng gọi vang lên: “Trần Văn! Ăn cơm không đấy!!”
Cậu ta giật mình, vội dùng sách đậy lại, nhảy xuống ghế: “Ăn! Ăn ngay đây!”
Lên lớp 9, Trần Văn viết xong trọn vẹn 100 lá thư. Cậu ta xếp chúng gọn gàng trên bàn, ngồi nhìn một lúc rồi cảm thán: “Trần Văn à, mày thật mẹ nó đỉnh. Mày đúng là hình mẫu lý tưởng của chính mày đó.”
…
Tất nhiên cậu ta không có ý định đưa cho Đường Sa ngay. Cậu muốn đợi. Đợi đến lúc Đường Sa cảm động đến phát khóc, rưng rức nghẹn ngào… Chỉ cần tưởng tượng thôi là Trần Văn đã cúi đầu cười ngốc.
Lộ Bác Thành liếc cậu ta: “Cậu bị ngu à?”
Trần Văn xoay xoay bút, vừa liếc về phía cửa lớp, bỗng cười tủm tỉm rồi đá cậu ta một phát:
“Cút nhanh. Đường Sa về rồi kìa.”
Ngoại truyện 2 – Cậu thiếu niên tên Trần Văn
Trường Nhị Trung gần đây không yên chút nào.
Cổng trường thường xuyên có vài tên lêu lổng đứng gác. Tóc tai bù xù, nhuộm đủ màu, miệng ngậm thuốc lá, chân rung rung, mắt quét khắp học sinh ra vào.
Giữa dòng người, có một cô gái siết chặt quai cặp, từ từ đi đến trước mặt bọn họ.
Tên đứng đầu tóc rẽ ngôi giữa, nhuộm đỏ rực, huýt sáo một tiếng: “Biết điều phết đấy.”
Hắn ra hiệu, cả nhóm rẽ vào con hẻm cạnh trường. Cô gái dừng bước, ánh mắt ngân ngấn nước, giọng run run: “Em… em không có tiền thật mà… Bố mẹ cũng không có ở nhà…”
Tên đầu đỏ quay đầu nhìn cô, cười nhạt: “Đừng có giở trò. Không đưa tiền thì đổi cái khác.”
Hắn nhún vai, cả nhóm cười hèn hèn.
Cô gái đứng đó không dám nhúc nhích.
Đúng lúc tên đầu đỏ chuẩn bị ra tay, ngoài ngõ vang lên tiếng bánh xe lăn sàn sạt — kèm theo tiếng la hét:
“Trần Văn! Cậu đi chậm chút coi, mẹ kiếp!”
Trần Văn dừng lại, trượt ván lướt một cú rồi phanh gấp. Cậu ta mặc áo thun đỏ rực, nhấc ván trượt lên, tùy ý liếc vào trong hẻm.
Khoảnh khắc ấy, bọn đầu gấu sẽ chẳng bao giờ quên.