Tôi biết Tống Cảnh Uyên đã sớm điều tra hết mọi chuyện về tôi.
Anh ta cười nhạt sau lưng tôi: “Mở một trại gà thì cần bao nhiêu tiền chứ? Tần Như Tuyết, ngay năm đầu tiên em ở bên tôi đã đủ rồi. Vậy hai năm sau, ba năm sau thì sao? Em ở lại, chẳng phải vì có tình cảm với tôi à?”
Nghe vậy, tôi quay lại, hơi nghiêng đầu nhìn anh ta đầy khó hiểu: “Tôi còn phải để dành tiền sinh hoạt nữa mà.”
Tay Tống Cảnh Uyên khựng lại.
Tôi nhìn thẳng vào anh ta, nói tiếp: “Tôi còn phải mở trại gà, xây nhà, sau này còn trồng rau, nuôi ông bà già nữa. Tôi tính rồi, phải có 10 tỷ thì mới không cần quay lại thành phố này nữa. Lúc đó có cơ hội kiếm thêm, sao lại không tranh thủ?”
Chắc là anh ta không ngờ tôi sẽ nói như vậy.
Tất cả sự không cam lòng, đau khổ, bất lực hiện rõ trên khuôn mặt anh ta.
Cuối cùng, anh ta lắp bắp: “Vậy… tôi cho em thêm tiền, thật nhiều. Em không cần phải về quê, không cần phải nuôi gà hay làm nông gì cả. Tôi còn có thể đón ông bà em lên ở cùng.”
“Tôi không cần. Tôi không phải kiểu con gái ham tiền.” – Tôi thở dài.
Nhìn anh ta lần cuối, tôi rốt cuộc cũng nói ra câu mà cả cái đám nhà giàu này đã đợi suốt hơn ba năm để nghe từ miệng tôi:
“Các người giàu thật đấy… nhưng đừng tưởng tiền có thể mua được mọi thứ.”
Tôi gạt tay anh ta ra, rảo bước rời đi.
Để lại một mình Tống Cảnh Uyên đứng đó, gương mặt ngơ ngác đầy hoang mang.
Lần này, ngay cả mấy dòng bình luận từng mắng chửi anh ta… cũng dừng lại.
Chúng, giống như anh ta, đều đang hoang mang.
Không ai hiểu tôi rốt cuộc đang định làm gì.
Tôi từng nói, tôi có một phẩm chất tốt — đó là không thay lòng đổi dạ.
Tôi đã nói muốn về quê mở trại gà, thì nhất định sẽ về quê mở trại gà.
Tới lúc này, tôi vẫn cố giữ chút kiêu hãnh cuối cùng, ngẩng cao đầu bước ra khỏi căn nhà tổ của nhà họ Tống.
Rồi lại một mình đi bộ bảy cây số xuống núi để bắt xe.
Lúc chờ xe, tôi mới có thời gian để buồn vì thất tình.
Tôi ngồi xổm bên vệ đường, ôm đầu mà khóc, như thể đang hú còi báo động.
Tôi biết, giữa tôi và Tống Cảnh Dục… không có khả năng.
Mà thật ra, ngay từ đầu chúng tôi vốn dĩ đã không thể nào.
Cậu ấy thật sự là một người rất tốt, dù thời gian bên nhau ngắn ngủi, dù chỉ là một người duy nhất,
nhưng cậu ấy đã ở cạnh tôi và lấp đầy những khoảng trống của rất nhiều người khác.
Tôi như được có lại bạn chơi thời thơ ấu, tri kỷ thời học sinh, và cả người dẫn đường khi tôi bước chân vào xã hội.
Những mối quan hệ tôi chưa từng có, những tiếc nuối không dám quay đầu nhìn trong suốt hành trình trưởng thành, đều được cậu ấy — chỉ một người — bù đắp lại.
Nên dù chỉ là một khoảnh khắc, dù chỉ là giấc mộng, tôi cũng đã đắm chìm trong đó.
Vì tôi thật sự… quá khao khát có một người ở bên mình.
11
Tối hôm đó, vừa về đến nhà, tôi liền chặn hết mọi liên lạc với Tống Cảnh Dục.
Tôi biết, bên nhà họ Tống chắc chắn sẽ không để cậu ấy dễ dàng ra ngoài nữa.
Kiểu bị “quản thúc tại gia”, mấy bộ phim nhà giàu đều diễn thế cả.
Tôi nằm thẫn thờ ở nhà hai ngày, rồi bắt đầu dọn đồ.
Khi gọi điện báo cho ông bà rằng tôi sắp về quê, họ vui lắm.
Hỏi tôi đã thi đậu biên chế ở thành phố chưa, lần này về có phải chỉ là về thăm không.
Tôi trầm ngâm một lát, rồi nói với họ rằng tôi muốn về quê thi làm cán bộ xã.
Bà tôi nghe xong, câu muốn phản bác đã lên tới cổ họng, nhưng cuối cùng lại nuốt xuống.
Chỉ thốt ra được mấy lời nửa cam chịu nửa an ủi: “Ừ, ừ… Hai mấy tuổi mà làm cán bộ xã thì bà cũng nở mày nở mặt rồi.”
Sau đó ông tôi cầm máy.
Tôi nghe thấy ông thở dài bên kia: “Con à, đừng trách bà nội con. Tính bà vậy thôi, miệng thì cứng mà lòng thì mềm. Bà chỉ là… không muốn con chôn vùi tuổi trẻ tươi đẹp ở cái làng nhỏ này.”
“Ông bà già cả rồi, chẳng giúp được gì nhiều, chỉ sợ trở thành gánh nặng cho con thôi.”
“Hồi con còn nhỏ, ông bà giống như người cầm dây diều, con bay cao bao nhiêu, ông bà vẫn phải giữ chặt sợi dây. Nhưng bây giờ khác rồi, con lớn rồi, có chí rồi, ông bà phải buông dây ra, con mới có thể tự do bay lên.”
Nghe những lời ấy, sống mũi tôi cay xè, nước mắt lại lặng lẽ tràn ra.
Tôi nghẹn ngào nói: “Ông ơi, bà ơi… con không ra gì đâu. Con sống với người thành phố mấy năm trời, mà vẫn không thể hòa nhập được. Họ coi thường con, còn cười nhạo con nữa…”
“Cái gì cơ?” – giọng ông tôi bỗng cao vút, gần như vỡ tiếng. “Thế thì về ngay đi, bà nó ơi, con gái mình bị bắt nạt kìa!”
Tôi nghe thấy ông tôi cầm điện thoại chạy vào gọi bà. Hai ông bà xúm lại nói huyên thuyên một lúc, cuối cùng đi đến kết luận: “Người thành phố đúng là chẳng tốt đẹp gì.”
“Về nhanh đi con, mấy cái vali gì gì đấy vứt hết, toàn nhựa độc hại, hại sức khỏe!” – bà tôi lớn tiếng chỉ đạo qua điện thoại. “Đêm nay bắt xe về luôn, ông bà ra đầu làng đón con!”
“Dạ…” – Tôi trả lời nhỏ, vừa thấy chạnh lòng, vừa thấy ấm áp.
12
Gác máy xong, tôi thu dọn lại bản thân, chuẩn bị mang rác đi đổ.
Vừa mở cửa thì thấy ngay gương mặt phờ phạc của Tống Cảnh Dục.
Đôi mắt cậu ấy vẫn ấm áp như trước, và khi nhìn thấy tôi, ánh mắt ấy nhẹ nhàng cong lên.
“Cậu chặn hết liên lạc, tôi không gọi được… nên đành phải đến tìm tận nơi.”
“Tống Cảnh Dục, cậu đi đi.
Chúng ta không hợp nhau. Cậu đừng vì tôi mà trái lời cha mẹ. Họ… thật sự rất yêu thương cậu.”
Tôi cúi đầu nhìn mũi giày, định nói thêm gì đó, thì cảm thấy có gì đó áp lên đầu mình.
Là bàn tay của Tống Cảnh Dục.
Cậu ấy cúi người, trán chạm vào trán tôi.
Khoảng cách rất gần, gần đến mức tôi cảm nhận được hàng mi mềm của cậu ấy khẽ lướt qua mí mắt tôi.
Thế mà cậu ấy vẫn không bị lé mắt mới hay. Cậu ấy đúng là giỏi thật.
Cổ họng tôi nghẹn lại, rồi… lại thấy muốn khóc.
Tống Cảnh Dục kịp ngăn tôi trước khi tôi bật khóc thành tiếng.
Cậu ấy nói: “Chúng ta hãy chia tay một cách đàng hoàng.”
Cậu ấy rủ tôi đến một nơi.
13
Ngày cuối cùng bên nhau, Tống Cảnh Dục dẫn tôi đến tiệm sách cũ — nơi mà tôi và Tống Cảnh Uyên đã từng gặp nhau lần đầu.
Thật ra, tôi chưa bao giờ hiểu vì sao một người như Tống Cảnh Uyên — cao quý, kén chọn như thế — lại xuất hiện ở nơi thế này.
Nhưng hôm đó, anh ta thật sự đã đến.
Và cũng chính hôm đó, anh ta nhìn thấy tôi — cô gái ngồi co ro ở góc tiệm sách, len lén khóc.
Lúc đó tôi khóc không phải vì thất tình hay xúc động gì cả.
Chỉ là trời vào đông, tôi tiếc tiền không dám mua áo ấm, lạnh đến mức chịu không nổi nên mới chui vào đây “trốn rét” bằng điều hòa.
Nói không buồn là nói dối. Tôi nhìn qua tường kính thấy con đường vắng lạnh bên ngoài, nghĩ về giờ đóng cửa của tiệm, nghĩ về ông bà đang mong ngóng tôi ở quê, nghĩ về cuộc đời mình… không thấy nổi lối ra.
Tôi không gồng nổi nữa, cứ thế khóc đến nghẹn cả người.
Lúc đó, Tống Cảnh Uyên ném cho tôi một tấm thẻ. Anh ta nói sẽ cho tôi tiền — nhưng là để “mua lấy sự tự do” của tôi.
Tôi lúc đó còn không có cơm ăn. Tự do? Nghe như một thứ xa xỉ nào đó, không quan trọng bằng một bữa ăn. Thế là tôi lập tức gật đầu, đi theo anh ta không chút do dự.
Bây giờ, Tống Cảnh Dục chỉ vào góc mà tôi từng ngồi, ánh mắt cụp xuống.
Cậu ấy nói: “Thật ra… từ nhỏ đến lớn, quan hệ giữa tôi và anh trai luôn không tốt.
Dù bề ngoài anh ấy chẳng bao giờ thể hiện, nhưng tôi biết rất rõ, là người thừa kế được nuôi dạy nghiêm khắc, anh ấy luôn oán giận việc ba mẹ nuông chiều tôi.”
Tôi lặng im cúi đầu, nghe cậu ấy nói.
Tôi cứ nghĩ Tống Cảnh Dục sẽ kể về áp lực khi là con thứ, kể về sự bức bối khi Tống Cảnh Uyên can thiệp vào cuộc đời mình.
Nhưng cậu ấy chẳng nói gì trong số đó.
Cậu ấy chỉ bảo rằng — mình luôn cảm thấy áy náy.
Vì cậu ấy từng tận mắt chứng kiến hai “lần vượt rào” hiếm hoi trong đời của Tống Cảnh Uyên.
Lần đầu tiên, chỉ là vì thấy chán nên Tống Cảnh Uyên thử làm theo gợi ý của một ứng dụng trong thành phố, tìm đến tiệm sách cũ để “tìm sách vintage”.
Và chính tại tường kính của tiệm sách đó, anh ta đã nhìn thấy cô gái đang khóc nức nở — là tôi.
Nhưng Tống Cảnh Uyên không phải lần đầu tiên gặp cô gái đó.
Lúc đó, anh ta đang làm thêm thay ba mẹ, thay mặt gia đình đi đàm phán với một công ty nhỏ.
Tôi là thực tập sinh ở đó — phụ trách pha trà, in tài liệu.
Vốn dĩ tôi chẳng để lại ấn tượng gì.
Cho đến lúc anh ta đi ngang qua phòng trà nước.
Anh ta nghe thấy mấy nhân viên cũ đang thở dài:“Con bé này chăm chỉ lắm, tiếc là giờ thuê sinh viên mới ra trường tốn kém, chắc cũng chẳng giữ lại đâu.”
Ra khỏi công ty, anh ta lại thấy tôi đứng chờ xe buýt trong cái lạnh tái tê, tay đập chân vì rét.
Tôi đang gọi điện thoại, mặt vẫn cố gắng nở nụ cười: “Không sao đâu bà, con sắp hết kỳ thực tập rồi, sắp được nhận chính thức. Khi có việc làm ổn định, con sẽ đón ông bà lên thành phố chơi. Người thành phố ai cũng tốt lắm.”
Miệng thì cười, giọng thì nhẹ nhàng…
Nhưng mắt tôi đang khóc.
Và Tống Cảnh Dục biết — tôi đang nói dối.
Công ty kia vì tối ưu chi phí nên đã cắt giảm hàng loạt vị trí, cạnh tranh nội bộ khốc liệt, còn mấy “tiền bối” kia thì chỉ xem tôi như con ở.
Khi đó, Tống Cảnh Dục không làm gì cả.
Từ nhỏ sống trong nhung lụa, cậu ấy luôn tin rằng chỉ cần cố gắng thì mọi chuyện sẽ tốt lên.
Cậu ấy nghĩ tôi chắc chắn sẽ có một cái kết viên mãn.
Cho đến khi thấy tôi mặc áo mỏng, co ro vì lạnh, ngồi trong tiệm sách nuốt nước mắt vào trong.
Ngày hôm đó, cậu ấy đã động lòng.
Cậu ấy định bước vào giúp tôi — nhưng bị việc khác gọi đi.
Trước khi rời khỏi đó, cậu ấy đưa ra một yêu cầu đầu tiên trong đời với anh trai mình,
người đang bị bố mẹ ép đi cùng em để “bồi dưỡng tình cảm huynh đệ”:
“Giúp cô ấy đi, anh.
Cô gái đang khóc đến méo mặt bên kia kìa.”
Và rồi… cậu ấy tận mắt chứng kiến “lần vượt rào” đầu tiên của Tống Cảnh Uyên.